Trại trẻ mồ côi ở bình dương

      629

Bước qua hơn nửa đời người, có những lúc tưởng chừng nghịch cảnh đã khiến anh Vinh chùn bước nhưng chưa một lần anh đầu hàng số phận. Từ một đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, giờ đây anh đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ cho biết bao số phận bất hạnh khác.


Được sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi trường nhỏ nằm ẩn sâu trong một con hẻm tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương để tìm thầy giáo Nguyễn Thế Vinh. Tiếng chim hót véo von trên những hàng cây xanh mát rượi cùng bầu không khí trong lành và yên tĩnh của ngôi trường khiến chúng tôi trong phút chốc quên đi sự ồn ào của con đường phố thị tấp nập xe bên ngoài kia.

Bạn đang xem: Trại trẻ mồ côi ở bình dương


*

Ngôi trường nằm nép mình trong không gian yên tĩnh ở Bình Dương.


Vừa trở về sau chuyến công tác dài ở miền Trung, anh Vinh lại tất bật với hàng tá công việc của mình với các em nhỏ ở trường. Đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền rồi anh lại quay lại mớ công việc dường như chưa bao giờ vơi của mình.

Ngôi trường nhỏ đang ngày đêm nuôi dưỡng ước mơ cho hơn trăm em nhỏ mồ côi và khuyết tật. Từng ngọn cây, từng viên gạch ở đây đều là tâm huyết, là xương máu của người thầy giáo tận tụy này. Thế nhưng để có được ngày hôm nay ít ai biết thầy Vinh cũng đã đi một quãng đường thật dài và thật nhiều những trắc trở.


*

Bước qua nghịch cảnh để trở thành nghệ sĩ tài năng

Giải quyết xong công việc, thầy Vinh ngồi lại để trò chuyện với chúng tôi về những ngày tháng đã qua, thầy tâm sự: "Tôi lập nên ngôi trường này vì đơn giản tôi đã từng trải qua hoàn cảnh giống các em, thấu hiểu được cảm giác và những khó khăn mà các em đang gặp phải".

Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, năm 4 tuổi cha của anh mất tích ở chiến trường Tây Nguyên và mãi mãi không trở về, mẹ anh đau đớn đưa các con về ở với ông bà ngoại ở một làng quê nắng cháy thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.


*

Cuộc sống vất vả đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ, có lần anh Vinh nghe mẹ nói với ông ngoại rằng bà muốn chết đi vì biến động của cuộc đời. Rồi một buổi sáng, khi anh vừa ngủ dậy, bỗng nghe tiếng mẹ kêu thất thanh: "Ba ơi! Con chết đây... Con ơi! Mẹ đi với ba các con đây...". Cả nhà chạy ra thì thấy mẹ đã ngã gục bên cạnh chai thuốc rầy, năm đó anh Vinh vừa lên 7 tuổi.

Nhà ngoại nghèo, ông ngoại anh Vinh đã nhận thêm 2 con bò của hợp tác xã về nuôi. Bi kịch tiếp nối bi kịch, trong một lần đi chăn bò thì cậu bé Vinh đang học lớp 3 bị té từ trên lưng bò xuống đất. Nhà nghèo, bệnh viện ở xa, nhưng vì chữa trị không đúng cách nên cánh tay bị hoại tử. Bệnh viện Phan Thiết đành phải cắt bỏ cánh tay phải của anh Vinh. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, vài năm sau, đến lượt anh trai của Vinh cũng theo người mẹ.

Những nỗi đau cứ liên tiếp kéo đến, thế nhưng thời điểm đó anh Vinh còn quá nhỏ để cảm nhận được hết những mất mát ấy. Phải đến khi vào cấp hai, chàng trai nhỏ mới bắt đầu cảm nhận được nỗi buồn, nỗi cô đơn khi không còn nhiều những người thân bên cạnh.


*

Và âm nhạc đã xuất hiện trong cuộc đời anh Vinh như một cứu cánh kỳ diệu. Năm 13 tuổi, người cậu ở xa về đem theo một cây đàn, ông đánh đàn và hát, lũ trẻ con quây quần, nhiều đứa lắng nghe đến ngủ quên trên gối ông, chỉ có Vinh nghe mải miết. Ngày hôm sau, anh nằng nặc đòi cậu dạy cho Vinh chơi đàn, nhìn cánh tay còn lại của Vinh, người cậu chỉ biết lắc đầu...

"Tôi loay hoay thử đủ cách, dùng chân thẻ hương cột vào ống tay cụt, rồi lấy ống nhôm một đầu lồng vào ống tay cụt, đầu kia cắt gọt thành hình móng tay để gảy, mất công, đau mỏi ê ẩm cả người nhưng chẳng kết quả" - anh Vinh kể.

Anh nói tiếp: "Sau mới nghĩ: mình một tay, sao cứ phải cầm đàn theo cách thiên hạ, tôi bèn xoay ngược bàn tay, dùng ngón trỏ để gảy". Và thế là sau 3 năm trời khổ luyện cuối cùng anh chàng cũng đàn được bài đầu tiên.


*

Kể từ đó anh Vinh và âm nhạc trở thành một đôi bạn tri kỷ cùng nhau bước qua những gian khó của cuộc đời.


Mái trường nhỏ nuôi những ước mơ xanh

Vốn luôn ấp ủ ước mơ trở thành một thầy giáo, nhưng vào những năm trước trường sư phạm không nhận sinh viên khuyết tật, vì thế anh Vinh đành theo học ngành kinh tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh chàng làm ở nhiều nơi nhưng không phù hợp, cuối cùng anh lại quay về với công việc ôn thi đại học cho học sinh.

Xem thêm: 3 Chuyện Tình Cô - Cảnh Nhạy Cảm Cân Nhắc Trước Khi Xem


Sau nhiều năm giảng dạy, anh Vinh dành dụm được một số tiền và ấp ủ kế hoạch mở một ngôi trường cho các em nhỏ mồ côi và khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. "Ban đầu tôi dự định chỉ mua cột dựng nhà gỗ rồi nhận các bé mồ côi, khuyết tật về nuôi ăn học bằng chính số tiền dạy luyện thi đại học của mình. May mắn lúc trung tâm thành lập được một ngân hàng tài trợ một tỷ đồng mỗi năm nên có điều kiện mở rộng hoạt động" - anh Vinh chia sẻ.


Sau một năm nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2010 anh Vinh khai trương ngôi trường mang tên Hương Dương tại huyện Bến Cát (Bình Dương) và nhận nuôi 14 em học sinh đầu tiên. "Thời gian đầu, một mình tôi phải tự quán xuyến tất cả các công tác ở trường, một mình dạy hết tất cả các môn cho các em, có vất vả nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với những công việc mà mình đang làm" - anh Vinh tâm sự.


Các em nhỏ được chú trọng học tập để thi vào các trường đại học lớn.


Theo dõi các thông tin trên báo chí, anh Vinh thường chọn lọc những em có hoàn cảnh thật sự khó khăn, sau đó đến từng nhà để gặp gỡ và "năn nỉ" người thân để các em vào trường học. Thường thì anh sẽ tranh thủ thời gian cuối năm để đi đến nhà các em có khi tận miền Trung, miền Bắc để thuyết phục các em về trường học tập.


Anh Vinh thường đi đến tận nhà các em để đưa các em về trung tâm.


Các em nhỏ sẽ ở nội trú tại trường, hằng ngày sau khi đi học ở trường bên ngoài, các em trở về trường Hướng Dương để được phụ đạo nâng cao thêm các môn toán, lý, hóa. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt trường sẽ chu cấp hoàn toàn. Công việc chính của các em là học tập thật tốt.


Ngoài giờ học các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp tăng cường kỹ năng.


Sau 6 năm hoạt động, hiện tại trường đang nuôi dạy 114 em học sinh, đã có 70 em đã tham gia kỳ thi đại học quốc gia, trong đó có 63 em đỗ đại học, 7 em đỗ cao đẳng. Ngoài ra anh Vinh còn tạo điều kiện cho 26 em sang Nhật, 1 em sang Mỹ, 1 em sang Úc để du học.

Khi chúng tôi hỏi về tương lai, anh Vinh cười tươi tâm sự: "Đến khi nào tôi không còn đủ sức khỏe để làm công việc này nữa thì sẽ có các em học sinh tâm huyết trở về để tiếp nối. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn là tự nguyện, tôi không hề ép buộc các em phải trở về. Các em có nhiều cách để giúp thế hệ sau, nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng".


Rồi đây thế hệ các em sẽ lớn lên và quay lại để giúp các em ở thế hệ sau.


Bước qua hơn nửa đời người, có những lúc tưởng chừng nghịch cảnh đã khiến anh chùn bước, nhưng chưa một lần anh Vinh chấp nhận đầu hàng số phận. Từ một đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, giờ đây anh đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ cho biết bao số phận bất hạnh khác trong cuộc đời.

Có người gọi anh là ông bụt giữa đời thường, gọi những công việc anh đang làm là phép màu kỳ diệu, với riêng tôi anh đơn giản là một con người bình thường nhưng có ý chí phi thường. Nhìn cách anh đang sống, tôi tin rằng chỉ khi nào chúng ta từ bỏ thì chúng ta mới thất bại.